Phương pháp nuôi đa loài tích hợp mô phỏng cách vận hành của một hệ sinh thái tự nhiên thông qua việc kết hợp nuôi nhiều loài ở các cấp độ khác nhau của chuỗi thức ăn. Ưu điểm của phương pháp nuôi đa loài tích hợp là giúp giảm thiểu tác động môi trường của quá trình nuôi trồng thủy sản thông qua việc giảm ô nhiễm phát sinh từ quá trình nuôi các loài thủy hải sản như cá hay động vật giáp xác, hải sâm... nhờ vào việc nuôi kết hợp với các loài dinh dưỡng thấp hơn như nhuyễn thể, giun, rong biển…. Trong quá trình nuôi kết hợp, các loài dinh dưỡng thấp sẽ sử dụng thức ăn thừa hoặc chất thải của cá, tôm, hải sâm. Sau đó, thường sẽ có một loài tự dưỡng như tảo hoặc thực vật quang hợp giúp hấp thụ chất thải lỏng từ tất cả các loài trong quá trình nuôi.
Phương pháp này có thể kết hợp 2 – 3 hoặc nhiều loài hơn với nhau trong cùng một diện tích nuôi để tận dụng tối đa nguồn thức ăn sử dụng trong quá trình nuôi thủy sản cũng như giảm bớt gánh nặng xử lý môi trường nuôi do một phần chất thải đã được các đối tượng nuôi chuyển thành nguyên liệu đầu vào của chúng. Phương pháp này tương đương với các mô hình kết hợp chăn nuôi – trồng trọt trong nông nghiệp vẫn được áp dụng hiện nay, chẳng hạn chất thải chăn nuôi được tái sử dụng làm phân bón tăng độ phì nhiêu cho đất. Rồi một lần nữa đất đó lại được sử dụng để trồng thức ăn phục vụ cho chăn nuôi. Mô hình tương tự được áp dụng cho hệ thống thủy sinh trong nuôi thủy sản.
Cách tiếp cận của phương pháp này dựa trên cơ sở tái chế và khuyến khích quản lý môi trường hiệu quả hơn trong khi vẫn giúp tăng lợi ích kinh tế cho hoạt động nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường. Nếu hoạt động nuôi đơn loài chỉ chú trọng vào nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của đối tượng nuôi thì mô hình nuôi tích hợp đa loài phát triển theo hướng tạo ra một môi trường tương tự như một hệ sinh thái thu nhỏ. Chẳng hạn, tại các vùng nước mở, đầu nguồn hoặc vùng cửa sông sẽ tiến hành nuôi cá, xuôi theo dòng nước một chút sẽ thực hiện nuôi các loài nhuyễn thể như trai, hàu, vẹm để tận dụng nguồn thức ăn thừa và chất thải của cá. Cuối cùng, ở phía cuối dòng sẽ được sử dụng để nuôi các loài tự dưỡng như rong biển, tảo bẹ để hấp thụ hết các chất dinh dưỡng hòa tan trong nước. Nếu được kết hợp một cách hiệu quả, mô hình nuôi này sẽ giúp đa dạng hóa sản phẩm nuôi trồng và cải thiện chất lượng môi trường của hệ sinh thái.
|
Nuôi kết hợp đa loài không chỉ được áp dụng cho nuôi biển mà còn có thể ứng dụng trong các hệ thống nuôi nước ngọt áp dụng công nghệ xử lý tuần hoàn RAS. Tuy nhiên, dù ở môi trường nào, chúng vẫn tuân thủ nguyên tắc chung, đó là kết hợp các loài ở các bậc dinh dưỡng khác nhau (hay các vị trí khác nhau trong chuỗi thức ăn), nhờ đó chúng có thể cùng chia sẻ một không gian và tài nguyên chung. Như vậy, thức ăn thừa, chất thải, chất dinh dưỡng và sản phẩm phụ của một loài được tận dụng và chuyển đổi thành sản phẩm hữu ích, thức ăn và năng lượng cho sự phát triển của các loài khác. Trên thực tế, mô hình nuôi tích hợp đa loài là sự kết hợp của các loài cần thức ăn bổ sung như cá, tôm với các loài ăn lọc (như vẹm, hàu) và loài ăn lắng (như hải sâm) với các loài tự dưỡng như rong tảo. Về cơ bản, mỗi loài trong mô hình đều đóng vai trò như một bộ lọc sống, đặc tính tự nhiên của mỗi loài đều nhằm tái chế các chất dinh dưỡng hoặc chất thải trong nước giúp người nuôi cải thiện và duy trì ổn định đặc tính môi trường tại các khu nuôi thủy sản.
|
Mặc dù có nhiều lợi ích như vậy, song phương pháp nuôi tích hợp đa loài chưa thực sự phổ biến hiện nay, chủ yếu do chúng đòi hỏi quy trình vận hành phức tạp và chi phí đầu tư cao hơn so với nuôi đơn loài. Ít nhất, việc nuôi nhiều loài sẽ đòi hỏi nhiều cơ sở hạ tầng khác nhau để phù hợp với chúng, chẳng hạn, nuôi cá cần phải có cá giống và cơ sở hạ tầng như ao, bể, lồng, bè; nuôi trai, hàu, vẹm cần phải có con giống và dây thừng hoặc cột; nuôi rong biển cũng cần có dây, thừng… Bên cạnh đó, việc sản xuất ra nhiều loại sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc phải tìm nhiều thị trường tiêu thụ hơn. Người mua cá có thể sẽ không có nhu cầu với hàu vẹm hay rong biển. Khó khăn cuối cùng có thể kể đến là nguồn lực nhân công. Mỗi loài sẽ có một yêu cầu riêng về kỹ thuật chăm sóc. Việc kết hợp nhiều loài trong một mô hình nuôi sẽ đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức đa dạng hơn so với khi nuôi đơn loài.
Mặc dù vậy, đây vẫn là một hướng đi đầy triển vọng cho ngành nuôi trồng thủy sản trong tương lai. Với các mô hình nuôi tích hợp, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn FCR thấp hơn nhiều so với mô hình nuôi đơn loài. Nói cách khác, một đơn vị thức ăn đưa vào mô hình nuôi tích hợp tạo ra sinh khối thủy sản nuôi lớn hơn so với nuôi đơn loài. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh tài nguyên ngày càng khan hiếm và nhu cầu tận dụng hiệu quả nguồn lực trong nuôi thủy sản ngày càng cấp thiết. Mặt khác, việc kết hợp nuôi thủy sản với các loại hình kinh tế khác như du lịch sinh thái cũng sẽ tạo điều kiện cho mô hình nuôi tích hợp phát triển khi vừa cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng phục vụ cho du lịch, vừa phục vụ cho các chương trình thăm quan, trải nghiệm tại các địa điểm nuôi.
Hương Trà